Trải qua hơn 40 năm xây dựng và phát triển, Công ty Cổ phần Cao su Đắk Lắk (DAKRUCO) đã khẳng định vị thế là một trong những doanh nghiệp hàng đầu của tỉnh Đắk Lắk. Bên cạnh việc đẩy mạnh sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và mở rộng thị trường, công ty còn chú trọng tạo việc làm, hỗ trợ đời sống cho người lao động, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần giúp họ an cư, lạc nghiệp.
Sinh kế ổn định – nền tảng vững chắc cho người lao động
Công ty Cổ phần Cao su Đắk Lắk đang quản lý trên 9.000 ha cao su, trải dài tại các địa bàn như: xã Cuôr Đăng, xã Krông Buk, phường Cư Bao... Để chăm sóc và khai thác hiệu quả diện tích này, công ty đã tuyển dụng gần 2.400 lao động địa phương, trong đó 946 người là đồng bào dân tộc (chiếm gần 40%). Đa phần là lao động trực tiếp, nhiều người từng thuộc diện hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn.
Công nhân lao động của công ty khai thác cao su.
Gắn bó gần 20 năm với công việc cạo mủ cao su tại Đội 3, Nông trường Cao su Phú Xuân, chị H Dốc KBuôr (trú tại buôn Gram B, xã Cuôr Đăng, tỉnh Đắk Lắk), hiện thuộc diện hộ cận nghèo, chia sẻ: “Với thu nhập khoảng 9 triệu đồng mỗi tháng, tôi có nguồn tài chính ổn định để lo cho gia đình và yên tâm gắn bó lâu dài với công việc. Công ty rất quan tâm đến đời sống của người lao động. Khoảng 5 năm trước, tôi được hỗ trợ một con bò sinh sản. Đến nay, đàn bò của gia đình đã phát triển thành ba con, tạo thêm sinh kế và động lực để vươn lên thoát nghèo”.
Thực tế cho thấy, việc chuyển đổi từ canh tác nhỏ lẻ sang làm việc chuyên nghiệp tại các nông trường đã giúp người lao động dân tộc thiểu số thay đổi tư duy, từ bỏ tâm lý trông chờ, ỷ lại, trở nên siêng năng, có ý thức kỷ luật, ổn định cuộc sống.
Ông Nguyễn Minh - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần cao su Đắk Lắk thăm công nhân cạo mủ
Mức thu nhập bình quân hiện nay của cán bộ, nhân viên và người lao động đạt 7,56 triệu đồng/người/tháng. Ngoài lương, người lao động còn được đảm bảo đầy đủ các chế độ chính sách như ốm đau, thai sản, dưỡng sức, thôi việc, bồi dưỡng độc hại...
Lan tỏa văn hóa doanh nghiệp và trách nhiệm cộng đồng
Không chỉ dừng lại ở việc phát triển sản xuất, DAKRUCO còn chú trọng xây dựng môi trường làm việc đoàn kết, chuyên nghiệp, nơi người lao động được tôn trọng, đào tạo và phát triển bền vững. Các hoạt động nội bộ như thi đua sản xuất giỏi, hội thao, hội diễn văn nghệ, gặp mặt cảm ơn người lao động đồng hành cùng doanh nghiệp,... được tổ chức thường xuyên, tạo sự gắn bó giữa công nhân và doanh nghiệp như một mái nhà chung.
Giai đoạn 2020-2025, mặc dù tình hình tài chính có nhiều khó khăn, nhưng Công ty vẫn quan tâm triển khai các hoạt động xã hội từ thiện; hỗ trợ các tổ chức xã hội, các cá nhân có hoàn cảnh khó khăn, đóng góp để xây dựng phát triển cộng đồng bằng hình thức vận động người lao động và trích từ quỹ phúc lợi. Trong đó, nhiều hoạt động thiết thực được triển khai như: ủng hộ khắc phục dịch bệnh, tặng mái ấm công đoàn, trao bò/dê sinh sản, thăm hỏi người bị tai nạn lao động…
DAKRUCO có nhiều hoạt động nhằm giúp người lao động vươn lên trong cuộc sống
Trong vòng 5 năm qua, tổng kinh phí thực hiện công tác xã hội từ thiện của công ty là 3,8 tỷ đồng. Những hoạt động này không chỉ giúp người lao động vượt qua biến cố, ổn định cuộc sống, mà còn lan tỏa tinh thần nhân ái, trách nhiệm cộng đồng – góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân địa phương, nơi DAKRUCO đang từng bước phát triển bền vững.
Song song với đó, DAKRUCO cũng kết hợp chặt chẽ giữa sản xuất với đảm bảo an ninh, quốc phòng. Nhờ vậy, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội tại địa phương.
Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Cao su Đắk Lắk – ông Nguyễn Viết Tượng – tặng quà cho công nhân lao động.
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Cao su Đắk Lắk – ông Nguyễn Viết Tượng chia sẻ: “Với lực lượng người lao động là đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ lớn, Ban lãnh đạo Công ty luôn đặt mục tiêu đảm bảo lương, thưởng, phúc lợi lên hàng đầu, đặc biệt là cho những lao động có hoàn cảnh khó khăn. Chúng tôi thường xuyên chỉ đạo các đơn vị cơ sở bám sát tình hình thực tế, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người lao động, từ đó kịp thời phản ánh, tham mưu với cấp ủy và bộ phận chuyên môn các giải pháp tháo gỡ khó khăn. Việc chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động không chỉ là trách nhiệm, mà còn là động lực để họ yên tâm gắn bó, cống hiến lâu dài cùng doanh nghiệp”.
Hướng tới phát triển xanh và hội nhập quốc tế.
Không chỉ phát triển nội lực, DAKRUCO còn chủ động hội nhập sâu rộng. Công ty hiện là một trong số ít doanh nghiệp cao su tại Việt Nam đạt các chứng nhận quốc tế như FSC-FM/CoC, ISO 9001:2015, ISO 14001:2015, VietGAP, GlobalGAP...
Sản phẩm cao su của Dakruco được chứng nhận FSC-FM/CoC
Nhờ đó, mỗi năm, DAKRUCO xuất khẩu hàng ngàn tấn cao su thiên nhiên sang các thị trường khó tính như Đức, Ý, Hà Lan, Bỉ, Đài Loan... mang về giá trị từ 4 đến 7 triệu USD/năm. Năm 2024, Công ty đã xuất những lô hàng đầu tiên đáp ứng EUDR, mủ cao su FSC-FM/CoC được khách hàng chấp nhận với giá cả khả quan. Việc tuân thủ các quy định về chống phá rừng của Liên minh Châu âu cũng được triển khai kịp thời, được đánh giá là Công ty đầu tiên trong ngành cao su chủ động thích ứng với quy định EUDR.
Ngoài lĩnh vực cao su, công ty còn đầu tư về lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với diện tích là 580 ha (chuối, mít, sầu riêng, dứa), dịch vụ khách sạn, nhà nghỉ, du lịch... Việc đa dạng hóa kinh doanh vừa tăng nguồn thu, vừa tạo thêm nhiều việc làm bền vững cho người dân.
Nhiều công nhân lao động ở Đắk Lắk đã và đang gắn bó với cây cao su.
Chia sẻ về định hướng phát triển trong thời gian tới, ông Nguyễn Minh – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cao su Đắk Lắk – cho biết: “Mặc dù đối mặt với nhiều thách thức từ biến động kinh tế và thị trường, DAKRUCO luôn chủ động theo dõi sát sao diễn biến giá cả, nhu cầu tiêu dùng để kịp thời điều chỉnh chiến lược, tìm kiếm đối tác và mở rộng thị trường. Trọng tâm phát triển được đặt vào việc ứng dụng công nghệ hiện đại, cải tiến kỹ thuật canh tác nhằm tạo ra các sản phẩm đạt chuẩn quốc tế, đảm bảo chất lượng và tính minh bạch. Với định hướng phát triển bền vững, công ty chú trọng hài hòa ba yếu tố: kinh tế – xã hội – môi trường. Mục tiêu dài hạn đến năm 2050, DAKRUCO phấn đấu trở thành doanh nghiệp sản xuất – kinh doanh đa ngành nghề hàng đầu khu vực châu Á”./.
Phòng Hành chính