HomeTIN TỨCTHỊ TRƯỜNG
Datetime: 29 09 2023

“Phế phẩm’’ năm nay dự kiến sẽ đem lại cho Việt Nam gần 800 triệu USD giá trị xuất khẩu khi được sản xuất thành mặt hàng viên nén.

Việt Nam là nước xuất khẩu viên nén gỗ lớn thứ 2 thế giới
Củi vụn, dăm bào, mùn cưa, đầu mẩu, cành ngọn gỗ... đều là những “phế phẩm’’ của công nghiệp sản xuất đồ gỗ, gỗ dán... tại Việt Nam. Tuy nhiên, những “phế phẩm’’ này năm nay dự kiến sẽ đem lại cho Việt Nam gần 800 triệu USD giá trị xuất khẩu khi được sản xuất thành mặt hàng viên nén. Viên nén là một loại chất đốt năng lượng sạch, dùng thay thế cho than, xăng, dầu... và đang là lựa chọn của nhiều quốc gia trên thế giới để giảm phát thải.
Từ vài chục tấn viên nén gỗ xuất khẩu mỗi tháng, Công ty Smartwood Việt Nam đã tăng sản lượng xuất khẩu lên hàng chục lần do các quốc gia đẩy mạnh thực hiện cam kết giảm phát thải khí nhà kính CO2, bảo vệ môi trường. Các nhà máy nhiệt điện trên thế giới tăng cường sử dụng viên nén gỗ để thay thế cho than đá. Bà Dương Thị Hồng Mai – Trưởng Ban Đối ngoại, Công ty Smartwood Việt Nam cho biết: “Năm ngoái công ty chúng tôi xuất khẩu 360.000 tấn, dự kiến năm nay xuất khẩu 400.000 tấn’’.
Là Tập đoàn thương mại xuất khẩu viên nén Việt Nam, Indonesia, Thái Lan… sang Hàn Quốc và Nhật Bản trong nhiều năm, Tập đoàn Cellmark, Thuỵ Điển cho biết đơn hàng tăng trưởng tích cực qua các năm. Ông Nguyễn Hoàng Tân – Phó Chủ tịch Phụ trách khối châu Á về năng lượng, Tập đoàn Cellmark, Thuỵ Điển cho biết: “Năm 2022, doanh nghiệp xuất khẩu khoảng 820.000 tấn, 700.000 tấn từ Việt Nam. Năm 2023 dự tính số lượng cũng khoảng 800.000 tấn’’.
Các nhà máy nhiệt điện trên thế giới tăng cường
sử dụng viên nén gỗ để thay thế cho than đá
Theo Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam, viên nén nằm trong nhóm 5 mặt hàng có giá trị xuất khẩu cao nhất của ngành gỗ. Việt Nam đang là nước xuất khẩu viên nén lớn thứ 2 thế giới. Ông Đỗ Xuân Lập – Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết: “Từ phế phẩm của ngành gỗ, chúng ta làm ra sản phẩm có giá trị xuất khẩu, khi giá xuất khẩu hiện tại có giá từ 120 – 145 USD/tấn và có thời điểm đã đạt 180 – 200 USD/tấn. Như vậy đã mang lại giá trị gia tăng rất cao cho chuỗi phát triển lâm nghiệp của Việt Nam’’. Theo thống kê của Chi hội viên nén Việt Nam, hiện tại có 400 nhà máy sản xuất viên nén, công suất trung bình khoảng 5 triệu m3/năm, giá trị 800 triệu USD. Công suất toàn ngành có thể nâng lên 10 triệu m3/năm, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ mặt hàng này.
Thúc đẩy xuất khẩu viên nén gỗ
Nguyên liệu đầu vào không kén chọn, các cơ sở chế biến viên nén gỗ cũng không cần phải đầu tư quá hiện đại về công nghệ. Do đó, ngành viên nén là cơ hội cho nhiều doanh nghiệp. Tuy nhiên, để xuất khẩu viên nén gỗ được cả về lượng và về giá, doanh nghiệp cần nắm bắt thông tin thị trường tốt và đáp ứng các đòi hỏi từ thị trường xuất khẩu.
Công ty CP Đầu tư và Thương mại Habi cho biết, đã đầu tư sản xuất viên nén năm ngoái, khi thị trường bùng nổ nhu cầu lớn. Theo đại diện doanh nghiệp, giá bán viên nén lúc đó 3.500 đồng/kg, tuy nhiên sau đó giảm dần, có thời điểm giảm dưới 2.000 đồng/kg. Sức ép cạnh tranh lớn khiến giá cả biến động mạnh. Ông Phạm Vũ Hà – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Habi cho biết: “Về thị trường, doanh nghiệp Việt Nam hiện đang phải cạnh tranh với các quốc gia khác, việc nghiên cứu và thông tin thị trường doanh nghiệp đang yếu’’. Bên cạnh đó, ngành viên nén còn tồn tại những cơ sở sử dụng nguyên liệu hỗn tạp, kém chất lượng, cạnh tranh thiếu công bằng.
“Có những doanh nghiệp họ trộn nguyên liệu, khi đốt có mùi khét, ảnh hưởng môi trường. Chi hội Viên nén mới được hình thành có vai trò quan trọng trong việc thu thập thông tin về các yêu cầu chất lượng của thị trường xuất khẩu để truyền tải tới các doanh nghiệp thành viên của mình’’, ông Tô Xuân Phúc – Chuyên gia phân tích chính sách, Tổ chức Forest Trends nói. Vấn đề lớn nhất để tăng giá trị viên nén đó cần có đầy đủ chứng chỉ rừng cho sản lượng viên nén xuất khẩu.
Sản lượng nguyên liệu dùng để sản xuất ra mặt hàng viên nén gỗ hiện tại phụ thuộc rất nhiều vào ngành công nghiệp chế biến gỗ, do đó để đáp ứng được nhu cầu tăng trưởng của mặt hàng viên nén trong thời gian tới, các doanh nghiệp cần chủ động vùng nguyên liệu để đảm bảo cung ứng đầu vào cho sản xuất. Hiện tại, diện tích rừng đã có chứng chỉ rừng được công nhận chỉ khoảng trên 430.000 ha, trên tổng diện tích khoảng 3,6 triệu hecta rừng trồng tại Việt Nam. Ông Nguyễn Ba Duy – Phó Chủ tịch Chi hội Viên nén gỗ Việt Nam cho biết: “Chi hội đang khuyến khích thành viên trong chi hội là tự tạo vùng nguyên liệu cho mình bằng cách hỗ trợ bà con nông dân về trồng trọt’’.
Bên cạnh chứng chỉ quốc tế FSC đang được công nhận chung trên toàn cầu, ngành lâm nghiệp Việt Nam hiện đã phát triển hệ thống cấp chứng chỉ rừng trồng của Việt Nam. Đẩy nhanh việc cấp chứng chỉ rừng trồng sẽ có ý nghĩa lớn, tăng giá trị sản phẩm gỗ Việt Nam, trong đó có mặt hàng viên nén.

Ban Thời sự, nguồn: https://vtv.vn/kinh-te/xuat-khau-phe-pham-nganh-go-du-kien-dem-ve-800-trieu-usd-nam-20230927103033906.htm, ngày 27/9/2023 (TN trích dẫn) 

Datetime: 29 09 2023

 

Hiện nay, hệ thống thông quan điện tử cho phép doanh nghiệp thực hiện thủ tục hải quan, đóng thuế 24/7 mọi lúc, mọi nơi, chỉ cần có kết nối Internet. 

Bộ Tài chính vừa ban hành quyết định 1855 về “Kế hoạch cải cách, phát triển và hiện đại hóa ngành Hải quan đến năm 2025”, trong đó, có đưa ra chỉ tiêu phấn đấu hoàn thành mục tiêu hải quan số, 95% chứng từ hồ sơ hải quan được tiến tới số hóa. Mục đích nhằm giảm thời gian thông quan, cải cách thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi cho hơn 80.000 doanh nghiệp tham gia xuất nhập khẩu.

Hiện nay, hệ thống thông quan điện tử cho phép doanh nghiệp thực hiện thủ tục hải quan, đóng thuế 24/7 mọi lúc, mọi nơi, chỉ cần có kết nối Internet. 99% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đã được thực hiện hải quan điện tử.
Tỷ lệ tờ khai luồng xanh hiện nay đang chiếm trên 66%, luồng vàng là trên 29%, luồng đỏ là trên 3%. Như vậy, đa số các hàng hóa thuộc luồng xanh đều được thông quan ngay lập tức với thời gian chỉ từ 1 – 3 giây.
Ông Âu Anh Tuấn, Cục trưởng Cục giám sát, quản lý về Hải quan, Tổng cục Hải quan, cho biết: “Trên 95% tổng số tờ khai xuất nhập khẩu doanh nghiệp không phải tiếp xúc và làm việc trực tuyến với công chức hải quan, chỉ cần liên hệ với kinh doanh cảng, hãng tàu để làm thủ tục nhận hàng, qua đó, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, giảm thời gian thông quan, thời gian giải phóng hàng, giảm tiếp xúc trực tiếp giữa công chức hải quan với doanh nghiệp, góp phần hạn chế tiêu cực, phiền hà sách nhiễu trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan’’.

Khánh Huyền, nguồn: https://vtv.vn/kinh-te/hai-quan-so-tao-thuan-loi-cho-doanh-nghiep-xuat-nhap-khau-20230925225356169.htm, ngày 26/9/2023 (TN trích dẫn) 

 

Datetime: 28 09 2023

Ngành nông nghiệp Việt Nam bị ảnh hưởng rất lớn bởi EUDR, nhất là cà phê, cao su, hạt tiêu, hạt điều gỗ và sản phẩm gỗ là những ngành hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta.

Ngày 01/8/2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Công văn 5179/BNN–HTQT về việc triển khai Khung Kế hoạch hành động thích ứng với Quy định không gây mất rừng của Liên minh châu Âu (EUDR). Khung kế hoạch đã có, song điều mấu chốt là phải “hành động”, và hành động sớm, chứ không chỉ dừng lại ở “kế hoạch”. Thời hạn sau ngày 31/12/2024 của EUDR nghe qua có vẻ là khá dài, nhưng lại rất gắn với đặc thù của ngành nông nghiệp.
Tuyệt đối không chủ quan!
Quy định không gây mất rừng (EUDR) do Ủy ban Châu Âu (EC) thông qua ngày 16/5/2023 là quy định mới nhất của Liên minh châu Âu (EU) liên quan đến vấn đề phát triển nông nghiệp xanh và bền vững, trong đó áp tiêu chí rất cụ thể về các nông sản được làm ra không dựa vào việc chiếm đất rừng. Sau ngày 31/12/2024 nông sản chỉ được nhập vào EU nếu toàn bộ quy trình không diễn ra trên diện tích rừng bị chặt phá kể từ ngày 31/12/2020. Các sản phẩm chịu sự điều chỉnh của EUDR gồm: gia súc chăn thả, ca cao, cà phê, dầu cọ, đậu nành, gỗ, cao su, hạt tiêu… kể cả các sản phẩm có chứa hoặc được nuôi bằng thực phẩm sử dụng các nguyên liệu thô nói trên (như thức ăn cho gia cầm, gia súc, da, sô cô la, đồ nội thất, than củi, giấy in và một số dẫn xuất dầu cọ).
Nông dân huyện Đồng Phú (Bình Phước) thu hoạch hạt tiêu
bán cho các nhà máy chế biến xuất khẩu.
Ảnh: Đình Huệ/TTXVN
Nông sản của những công ty thuộc các nước có độ rủi ro thấp theo đánh giá của EC sẽ hưởng quy trình thẩm định đơn giản hơn khi xuất khẩu sang EU – tỷ lệ hàng hóa được kiểm tra là 9% dành cho mức rủi ro cao, 3% dành cho mức rủi ro tiêu chuẩn (cơ bản) và 1% dành cho mức rủi ro thấp. Các cơ quan có thẩm quyền của EU sẽ được phép truy cập vào thông tin liên quan do các công ty cung cấp (tọa độ định vị địa lý về các khu vực canh tác), dùng các công cụ giám sát vệ tinh và phân tích ADN để kiểm tra xem sản phẩm đến từ khu vực nào. Các hình phạt đối với việc không tuân thủ quy định sẽ ở mức ít nhất là 4% tổng doanh thu hằng năm tại EU của bên vi phạm.
Ngành nông nghiệp Việt Nam bị ảnh hưởng rất lớn bởi EUDR, nhất là cà phê, cao su, hạt tiêu, hạt điều gỗ và sản phẩm gỗ là những ngành hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan năm 2022, châu Âu là thị trường quan trọng của ngành nông nghiệp Việt Nam, chiếm 15% tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính. Còn số liệu thống kê của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho biết, lũy kế 5 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cao su của Việt Nam sang EU là 19,5 nghìn tấn (28,9 triệu USD, xuất khẩu cà phê sang EU đạt 19,5 nghìn tấn (749,8 triệu USD).
Điều đáng lưu ý, theo Cục Lâm nghiệp, trong giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2017 có tới 89% diện tích rừng tự nhiên ở nước ta bị mất do chuyển đổi mục đích sử dụng rừng để phục vụ các dự án phát triển kinh tế, trong đó có việc trồng trọt và chăn nuôi. Nếu các doanh nghiệp tiếp tục phá rừng để mở rộng sản xuất nông nghiệp hoặc không chứng minh được đất trồng trọt, chăn nuôi không phải do phá rừng sau ngày 31/12/2020 thì một số nông sản của nước ta sẽ khó xuất khẩu sang châu Âu từ ngày 01/01/2025.
Có thể, cà phê của nước ta xuất khẩu sang EU sẽ là mặt hàng đầu tiên bị giám sát ở mức độ cao nhất mà đây là hàng hóa xuất khẩu hàng đầu sang châu Âu – 11% thị trường EU và tương đương 45% trong tổng lượng 1,7 triệu tấn cà phê Việt Nam xuất khẩu mỗi năm. Để thị trường EU chấp nhận sản phẩm thì quy trình sản xuất của chúng ta phải đạt chuẩn, hàng hóa đạt chất lượng cao. Điều này vốn dĩ không dễ dàng nhưng trong tương lai rào cản mới sẽ được dựng lên, đó là việc đánh giá khắt khe về nguồn gốc đất nuôi, trồng để tạo ra hàng hóa.
Từ góc nhìn tích cực, EUDR cú hích để ngành nông nghiệp nước ta biến “nguy” thành “cơ”, là dịp để các nhà xuất khẩu nông sản giành thêm được thị phần do một số đối thủ sẽ bị loại khỏi cuộc chơi, cũng là một cách để các doanh nghiệp và nông dân ta triệt để chuyển mình theo hướng sản xuất hiện đại, thân thiện với môi trường. Ông Ngô Sĩ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, khẳng định các sản phẩm gỗ và lâm sản của các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội khi xuất khẩu sang EU không liên quan đến việc gây mất rừng và suy thoái rừng sau ngày 31/12/2020. Bởi vì khi chưa có EUDR, từ năm 2018 Việt Nam và EU đã ký kết hiệp định đối tác tự nguyện để tăng cường thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT). Năm 2021 Chính phủ Việt Nam đã ban hành nghị định 102 để quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột, cho rằng EUDR không tác động nhiều đến ngành cà phê bởi chỉ hạn chế việc phá rừng sau ngày 31/12/2020 để trồng cà phê. Theo ông, cà phê ở khu vực Tây Nguyên hầu hết được trồng từ cách đây 20 – 30 năm. Do đó, nếu quy định mới của EU có tác động thì chỉ là về thủ tục chứng minh nguồn gốc. Ông Bạch Thanh Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam, cũng cho biết, với quy định mới của EU thì ngành cà phê – ca cao nước ta sẽ vượt qua dễ dàng và đây là cơ hội mới cho các doanh nghiệp và nông dân. Lời khẳng định của các Hiệp hội nói trên là tin vui, nhưng chúng ta hoàn toàn không được chủ quan.
Một chủ doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu tại tỉnh Bình Dương cho rằng nếu châu Âu áp dụng quy định chống phá rừng một cách triệt để hơn và nhiều thị trường khác cũng lần lượt làm theo, áp vào sản phẩm hồ tiêu được dùng trong thực phẩm thì nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam sẽ gặp khó. Ông nói: “Nếu doanh nghiệp xuất khẩu phở, mì tôm sang châu Âu bị yêu cầu rằng gói tiêu gia vị phải đảm bảo yếu tố nhập từ vùng không phá rừng để trồng thì không chỉ mặt hàng tiêu đơn thuần, mà nhiều mặt hàng liên quan khác cũng bị vạ lây’’’.
Theo ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam, trong nhiều năm qua diện tích cà phê Việt Nam ổn định từ 650.000 đến 700.000 ha. Từ năm 2014 việc phá rừng để trồng mới khả năng không nhiều, đặc biệt là từ 2019 trở lại đây. Nhưng “khả năng không nhiều” là bao nhiêu, làm sao để chứng minh và rất dễ chúng ta bị sa vào tình trạng “con sâu làm rầu nồi canh”. Nếu một số lô hàng của Việt Nam xuất khẩu sang châu Âu bị đánh giá là vi phạm EUDR thì nước ta với tư cách là một quốc gia xuất xứ có thể phải chịu trách nhiệm, dẫn tới toàn bộ hàng hoá xuất khẩu sang EU bị ảnh hưởng.
Theo một số chuyên gia kinh tế, điểm đặc biệt đáng lưu ý đối với các doanh nghiệp Việt Nam là hồ sơ truy xuất nguồn gốc cần phải có các đầy đủ thông tin về toạ độ địa lý, nguồn gốc thửa đất, quá trình nuôi trồng và khai thác sản phẩm. Mặc dù các thông tin truy xuất nguồn gốc này không quá khó, nhưng điều này có thể trở nên phức tạp bởi chúng ta chưa có một cơ sở dữ liệu chia sẻ chung về nguồn gốc của sản phẩm nông, lâm sản. Các nhà sản xuất hoặc xuất khẩu có thể rơi vào thế bị kẹt vì bản thân họ chỉ tham gia vào một hoặc một số công đoạn nhất định của chuỗi hoạt động nuôi trồng và chế biến.
Ngoài ra, Nghị viện EU định nghĩa rộng về suy thoái rừng, bao gồm cả việc chuyển đổi rừng nguyên sinh hoặc rừng tái sinh tự nhiên thành rừng trồng hoặc thành đất có rừng khác. Điều này có nghĩa rừng sản xuất (chủ yếu trồng cây công nghiệp như cao su, hạt điều, cà phê, hồ tiêu, dừa, chè...) vốn đang chiếm tới hơn 52% diện tích rừng của Việt Nam không mang tính bền vững, nguy cơ cao bị liệt vào khái niệm “suy thoái rừng’’. Do đó, các cây công nghiệp thuộc rừng sản xuất có thể hoàn toàn không đạt yêu cầu xuất khẩu theo quy định mới này của EU. Để có thể khai thác các lợi thế tại thị trường EU thì không chỉ riêng các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam, mà các Hiệp hội nghề nghiệp, cơ quan quản lý cần hiệp lực để tìm ra các giải pháp nhanh chóng, đúng trọng tâm để khắc phục các điểm nhạy cảm hiện nay.
Thích ứng với bối cảnh mới
Ngày 01/8/2023 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Khung Kế hoạch hành động thích ứng với Quy định không gây mất rừng EU. Trước đó, ngày 29/6/2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã tổ chức ký kết Bản ghi nhớ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 5 tỉnh Tây Nguyên (Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng), các hiệp hội ngành hàng và các đối tác quốc tế liên quan nhằm phối hợp thực hiện hỗ trợ xây dựng các vùng sản xuất không gây phá rừng, suy thoái rừng; sản xuất bền vững kết hợp với các mục tiêu bảo tồn tài nguyên và đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.
Theo Khung Kế hoạch hành động thích ứng với Quy định không gây mất rừng EU, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cùng đồng hành, bổ sung kế hoạch hoạt động của địa phương thích ứng với EUDR.
Các nội dung trọng tâm gồm:
-      Giám sát chặt chẽ vùng nguy cơ rủi ro cao (các vùng trồng xen kẽ rừng) với các ngành hàng bị ảnh hưởng bởi EUDR, đặc biệt cà phê; tăng cường tuần tra/giám sát cộng đồng để bảo vệ rừng.
-      Giao các cơ quan chuyên môn liên quan phối hợp với các đơn vị của Bộ, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp và tổ chức quốc tế (trong đó có Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, Tổ chức Sáng kiến thương mại bền vững (IDH)…xây dựng và công nhận cơ sở dữ liệu quốc gia về rừng tự nhiên và vùng trồng; rà soát và thống nhất bản đồ thực địa; chia sẻ, cập nhật và số hóa dữ liệu bản đồ địa chính các vườn trồng; phân định các vùng có nguy cơ phá rừng cao, trung bình và thấp; xây dựng và triển khai truy xuất nguồn gốc theo chuỗi cung ứng đến vùng, có gắn với định vị của từng vườn đối với các ngành hàng bị ảnh hưởng bởi EUDR.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh: “Việt Nam đã sẵn sàng và sẽ có cách tiếp cận phù hợp với EUDR. Bộ coi việc tuân thủ Quy định này không chỉ là để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu các mặt hàng cà phê, cao su, gỗ và các sản phẩm gỗ vào thị trường EU, mà là cơ hội phát triển ngành nông nghiệp Việt Nam theo định hướng chiến lược của ngành là minh bạch, trách nhiệm, bền vững và tăng trưởng xanh’’.
Theo Bộ trưởng, ngành nông nghiệp Việt Nam hướng tới việc tăng giá trị trên một đơn vị đất trồng trọt chứ không hướng tới tăng sản lượng dựa trên tăng diện tích đất sản xuất. Một trong những giải pháp đột phá phát triển nông nghiệp là tiếp tục lan tỏa sâu sắc và cụ thể hơn trong việc “chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp’’. Tư duy kinh tế là tư duy thị trường, khơi thông thị trường quyết định sản xuất bền vững, tín hiệu thị trường là chỉ dấu cho đầu vào sản xuất. Tư duy kinh tế là “chuyển từ tăng trưởng đơn giá trị sang tăng trưởng tích hợp đa giá trị’’. Tạo ra giá trị gia tăng cao hơn trên một đơn vị diện tích đất sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản, thuỷ lợi… là mục tiêu cuối cùng.
Trần Quang Vinh