HomeTIN TỨCTHỊ TRƯỜNG
Datetime: 29 09 2023

Bệnh loét sọc mặt cạo trên cây cao su xảy ra nguy hiểm nhất vào mùa mưa, làm giảm sản lượng mủ cũng như khó khăn cho việc khai thác sau này. 

Mặt cạo trên cây cao su là bộ phận khai thác quan trọng của cây cao su và dễ bị nhiễm bệnh nguy hiểm nhất vào mùa mưa. Bệnh được biết dưới nhiều tên như sọc đen, loét sọc mặt cạo, thối mặt cạo… lần đầu xảy ra tại Sri Lanka năm 1909 và tiếp theo xuất hiện trên tất cả các nước trồng cao su từ châu Á đến châu Phi và châu Mỹ. Bệnh hủy hoại mặt cạo làm giảm sản lượng mủ cũng như khó khăn cho việc khai thác sau này. Trong điều kiện canh tác cao su tại nước ta, bệnh phổ biến vào mùa mưa tháng 6  11 ở vùng Đông Nam bộ và Tây Nguyên. Riêng miền Trung lại thường xuất hiện tháng 9 đến tháng 1 năm sau, ít quan trọng trong mùa khô do nấm cần ẩm độ cao để phát triển và gây bệnh.

Bệnh loét sọc mặt cạo trên cây cao su
Tác nhân gây bệnh
Do nấm Phytophthora palmivora (Bult.) Bult; P. botryosa Chee và P. meadii Mc Rae. Tại Việt Nam do P. palmivora và P. botryosa, chúng cũng là tác nhân gây rụng lá mùa mưa, cho nên bệnh thường nặng ở vùng có rụng lá mùa mưa do nước mưa rửa trôi bào tử xuống mặt cạo. Nấm phát tán chủ yếu do nước mưa và tồn tại qua mùa khô trên các vết bệnh cũ. Hơn nữa, nấm tồn tại trong đất thời gian dài mà không mất đi khả năng gây bệnh. Do đặc tính khai thác cao su là thường xuyên tạo vết thương qua những lần cạo, đây cũng là cửa ngõ cho nấm xâm nhập. Nấm có khả năng xâm nhiễm sau khi cạo 72 tiếng, cho nên xử lý thuốc mang lại hiệu quả cao sau mỗi lần cạo. Ngoài cây cao su, nấm còn ký sinh trên 138 loại cây thuộc nhiều họ khác nhau, trong đó có một số cây có tầm kinh tế quan trọng như đu đủ, cam, chanh, sầu riêng, ca cao, tiêu, dưa hấu… Đã có ghi nhận nấm trên cây cao su có khả năng gây hại cho sầu riêng, ca cao, tiêu, cam, chanh và ngược lại. Nấm chỉ gây hại cho cây hai lá mầm.
Triệu chứng
Triệu chứng ban đầu không rõ rệt với những sọc nhỏ hơi lõm vào có màu nâu nhạt ngay trên đường cạo và song song với thân cây. Nếu không phòng trị các vết sẽ liên kết lại thành từng mảng lớn, lúc này vỏ bị thối nhũn và có mủ cũng như dịch màu vàng rỉ ra từ vết thương có mùi hôi thối. Dưới vết bệnh có đệm mủ và những sọc đen trên gỗ, lúc này tượng tầng bị hủy hoại và để lộ gỗ, đây là vị trí thuận lợi cho mối mọt xâm nhập làm gãy đổ cây. Khi cây bị nặng, vết bệnh phá hủy toàn bộ mặt cạo và phát triển lên mặt cạo tái sinh cũng như vỏ nguyên sinh, đưa đến hậu quả làm mất diện tích mặt cạo và khó khăn cho việc khai thác sau này. Nếu mặt cạo bị hại nặng có thể làm giảm sản lượng đến 100%.
Phòng trị
-      Không cạo khi mặt cạo còn ướt và cạo phạm vì đó là điều kiện tốt cho nấm xâm nhập.
-      Cạo đúng kỹ thuật và diệt cỏ dại mang lại hiệu quả phòng bệnh tốt.
-      Dùng Mexyl MZ 72WP (8% metalaxyl + 64% mancozeb) 2% pha trong nước và quét một băng rộng 2 – 3cm trên miệng cạo khi bệnh xuất hiện với chu kỳ khoảng 1 tuần/lần cho đến khi cây khỏi bệnh.

ThS Phan Thành Dũng

Datetime: 29 09 2023

Indonesia đang tìm cách hợp tác với nhà sản xuất cao su Thái Lan khi nước này đang đối phó với giá giảm mạnh và việc Liên minh châu Âu ban hành luật chống phá rừng. Thương mại cao su là vấn đề quan trọng trong chương trình nghị sự trong cuộc gặp gần đây của Bộ trưởng Thương mại Indonesia Zulkifli Hasan với Chủ tịch Hạ viện Thái Lan Wan Muhamad Noor Matha.

Khai thác cao su tại Indonesia
Theo Zulkifli, Thái Lan và Indonesia là hai quốc gia sản xuất cao su hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, 2 nước này hiện đang gặp phải khó khăn nối tiếp nhau là việc giá cao su sụt giảm cho đến việc mặt hàng này phải tuân theo Quy định không phá rừng của EU (EUDR). “Thái Lan và Indonesia là những nhà sản xuất cao su hàng đầu thế giới đang phải đối mặt với tình huống tương tự do giá cao su thiên nhiên toàn cầu tiếp tục biến động trong thập kỷ qua,” ông Zulkifli cho biết trong một thông cáo báo chí gần đây. Ngoài ra Bộ trưởng Thương mại Indonesia cho biết thêm, bệnh rụng lá cao su cũng “giáng một đòn chí mạng” vào sản xuất, càng thêm gây khó khăn cho nông dân. Giá giảm có thể khiến nông dân trồng cao su chuyển sang các cây trồng khác. Theo Zulkifli, điều này có thể dẫn đến nguồn cung cao su thiên nhiên bị thắt chặt trong tương lai.
Ông cũng kêu gọi sự hợp tác giữa các thành viên của Hội đồng Cao su ba bên quốc tế (ITRC), cụ thể là: Thái Lan, Indonesia và Malaysia. Hội đồng này chiếm 58% sản lượng cao su toàn cầu, theo đuổi mức giá hợp lý và có lợi cho các hộ sản xuất nhỏ. Hội đồng có một số công cụ để kiểm soát giá, kế hoạch xuất khẩu đã thỏa thuận (AETS) nhằm hạn chế xuất khẩu cao su. Các công cụ khác bao gồm chương trình quản lý nguồn cung (SMS) và chương trình thúc đẩy nhu cầu (DPS) nhằm thúc đẩy tiêu thụ cao su trong nước. “ITRC cũng cần làm việc cùng với các nhà xuất khẩu cao su khác, bao gồm Việt Nam và Philippines, để đẩy giá lên,” Zulkifli nói thêm.
Năm 2022, Indonesia là nước sản xuất cao su lớn thứ hai thế giới sau Thái Lan, chiếm thị phần 21,57%. Indonesia đã xuất khẩu cao su thiên nhiên trị giá 3,66 triệu đô la vào năm 2022, đánh dấu mức giảm 11,35% so với 4,12 triệu đô la được ghi nhận vào năm trước. Bộ Thương mại Indonesia cho biết xuất khẩu cao su thiên nhiên của Indonesia đang có xu hướng giảm 1,4% trong giai đoạn 2018 – 2022. Cao su cùng với dầu cọ là một trong những mặt hàng mà EUDR điều chỉnh. Theo đó, các nhà xuất khẩu phải chứng minh cao su của họ không đến từ đất bị phá rừng nếu họ muốn vào thị trường EU. Indonesia đã cố gắng làm dịu lập trường của EU, mặc dù các cuộc đàm phán của họ chú trọng nhiều hơn đến dầu cọ. Indonesia, nhà sản xuất dầu cọ Malaysia, và EU gần đây đã đồng ý thành lập một lực lượng đặc nhiệm chung để xác định các giải pháp thiết thực cho việc thực hiện EUDR.

Q.K, nguồn: http://tapchicaosu.vn/2023/09/15/indonesia-huong-den-moi-quan-he-chat-che-hon-voi-thai-lan-de-ho-tro-gia-cao-su/, ngày 15/9/2023 (TN trích dẫn) 

Datetime: 29 09 2023

Yokohama Rubber hợp tác với Đại học Shinshu và đạt bước đột phá trong việc phát triển một loại cao su đàn hồi có khả năng chống nứt cao. Vật liệu cải tiến này bao gồm các polyme bền có nguồn gốc từ các hạt nano và không cần sử dụng các chất phụ gia như dung môi hữu cơ hoặc chất gia cố. 

 

Hình minh họa thử nghiệm xé từ một vết cắt trên màng hạt nano
Dự án nghiên cứu chung do Phó Giáo sư Daisuke Suzuki từ Trường Cao học Khoa học và Công nghệ Dệt may của Đại học Shinshu và RISM (Sáng kiến Nghiên cứu về vật liệu siêu bền) đứng đầu, hứa hẹn sẽ tạo ra các sản phẩm cao su và lốp xe an toàn hơn, bền hơn và thân thiện với môi trường. Thêm vào đó, vật liệu cao su này có thể dễ dàng tái chế mà không bị hư hỏng, góp phần thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn.
Quá trình hình thành màng hạt nano
Để đạt được kết quả này, nhóm nghiên cứu đã sử dụng các polyme dựa trên hạt nano được tổng hợp thông qua phương pháp trùng hợp nhũ tương nhỏ. Sử dụng dung dịch nước phân tán của các hạt nano, họ đã tạo ra màng hạt nano (vật liệu cao su) bằng cách làm bay hơi nước trong dung dịch. Để tăng cường khả năng chống nứt mà không cần phụ thuộc vào các chất phụ gia khác như chất gia cố, các nhà nghiên cứu đã đưa các phân tử rotaxane (còn được gọi là hợp chất siêu phân tử) làm chất liên kết ngang vào các hạt nano. Sự kết hợp các phân tử rotaxane này không chỉ tăng cường khả năng chống nứt của vật liệu mà còn mang lại độ đàn hồi cao cho cao su. Các màng hạt nano chỉ bao gồm các hạt nano có thể dễ dàng bị phân hủy bằng cách ngâm chúng trong dung dịch nước–ethanol, một quá trình ít gây tác động đến môi trường.
Sau đó, bằng cách làm bay hơi ethanol, dung dịch nước–ethanol có thể được chuyển đổi trở lại thành dung dịch nước phân tán có chứa các hạt nano và nước, cho phép tái tạo màng hạt nano một cách đơn giản mà không làm giảm chất lượng. Kết quả nghiên cứu này đã được công bố trên Langmuir, một tạp chí của Hiệp hội Hóa học Hoa Kỳ vào ngày 17/6/2023. Là một phần trong kế hoạch quản lý trung hạn của Công ty Yokohama Rubber cho các năm tài chính 2021 đến 2023, được gọi là Chuyển đổi Yokohama 2023 (YX2023), công ty cam kết thực hiện các sáng kiến bền vững theo nguyên tắc hướng dẫn “Quan tâm đến tương lai”. Bằng cách tiến hành các hoạt động kinh doanh của mình với các sáng kiến này, Yokohama Rubber đặt mục tiêu giải quyết các thách thức xã hội và nâng cao giá trị DN. Đáng chú ý, công ty đang tích cực theo đuổi các sáng kiến về môi trường dựa trên chiến lược ba trụ cột xoay quanh việc đạt được tính trung lập các–bon, thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn và thúc đẩy sự chung sống hài hòa với thiên nhiên. Để theo đuổi nền kinh tế tuần hoàn, Yokohama Rubber chuyên phát triển các loại lốp xe kết hợp các vật liệu bền vững.

Nguyễn Anh Nghĩa