Ngân hàng Thế giới đã nâng dự báo giá cao su trong cả năm 2023 lên mức trung bình 1,4 USD/kg và trong năm 2024 lên mức trung bình 1,5 USD/kg, tương ứng tăng hơn 7%
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết trong 10 ngày giữa tháng 10, giá cao su tại thị trường châu Á có xu hướng tăng do giá dầu thô tăng mạnh và lo ngại về sản lượng đang sụt giảm tại các nhà sản xuất hàng đầu Thái Lan và Indonesia.
Giai đoạn giữa tháng 9/2023 tới giữa tháng 1/2024 thường cao điểm sản lượng cao su trên toàn cầu, tuy nhiên các nhà sản xuất lớn nhất Thái Lan và Indonesia lại đang đối mặt với xu hướng giảm sản lượng.
Cục Đo lường Thái Lan cảnh báo tình trạng thời tiết khắc nghiệt, mưa to, gió giật mạnh có thể gây lũ quét, ảnh hưởng tới nguồn cung cao su. Bên cạnh đó, thị trường đang kỳ vọng về các biện pháp kích thích kinh tế ở Trung Quốc sẽ làm tăng nhu cầu tiêu thụ cao su.
(Nguồn: Cục Xuất nhập khẩu)
Tại sở giao dịch hàng hóa Osaka Exchange (OSE), giá cao su RSS3 giao ngay tăng lên mức cao nhất 16 tháng lên mức 351 yên/kg vào ngày 17/10. Sau đó, giá giảm nhẹ trở lại nhưng vẫn cao hơn so với 10 ngày trước do lo ngại thiếu hụt nguồn cung tại Thái Lan.
Chốt phiên giao dịch ngày 18/10, giá cao su RSS3 giao kỳ hạn gần ở mức 344 yên/kg (tương đương 2,3 USD/kg), tăng 43,5% so với 10 ngày trước đó và tăng 52% so với cùng kỳ năm 2022.
Tại sàn SHFE Thượng Hải, giá cao su RSS3 tăng lên mức 13.480 nhân dân tệ/tấn vào ngày 17/10, sau đó giá giảm nhẹ trở lại nhưng vẫn cao hơn so với 10 ngày trước đó.
Ngày 18/10, giá cao su RSS3 giao kỳ hạn gần ở mức 13.390 nhân dân tệ/tấn (tương đương 1,8 USD/kg), tăng 4,5% so với 10 ngày trước đó và tăng 5% so với cùng kỳ năm 2022.
(Nguồn: Cục Xuất nhập khẩu)
Tại Thái Lan, giá mủ cao su RSS3 tăng mạnh so với 10 ngày trước. Ngày 17/10, giá cao su RSS3 chào bán ở mức hơn 60 baht/kg (tương đương 1,6 USD/kg), tăng 6% so với 10 ngày trước và tăng 12% so với cùng kỳ năm 2022.
Thời tiết bất thường tại các khu vực sản xuất cao su chính của Thái Lan đã làm gián đoạn công việc thu hoạch mủ cao su nên giá mua nguyên liệu liên tục tăng.
Cục Xuất nhập khẩu cho biết nhiều tổ chức tài chính nhận định giá dầu thô có thể duy trì ở mức cao, hỗ trợ gián tiếp giá cao su tự nhiên tăng lên.
Ngoài ra, đà phục hồi của giá cao su còn được thúc đẩy khi hoạt động sản xuất tại Trung Quốc đang dần hồi phục trở lại, giúp giảm tồn kho cao su.
Trung Quốc hiện có nhiều chính sách cho ngành công nghiệp xe điện, tác động tích cực lên tổng cầu cao su tại quốc gia này.
Ngoài ra, xuất khẩu săm lốp của Trung Quốc từ đầu năm đến nay vẫn tăng mạnh về sản lượng và trị giá, qua đó thúc đẩy nhu cầu về cao su của nước này.
Ngân hàng Thế giới đã nâng dự báo giá cao su trong cả năm 2023 lên mức trung bình 1,4 USD/kg và trong năm 2024 lên mức trung bình 1,5 USD/kg (tương ứng tăng hơn 7%).
PHÒNG KD XNK
Giá cao su ở các sàn giao dịch châu Á đồng loạt tăng mạnh từ tháng 8 đến nay do ảnh hưởng từ giá dầu thô và xung đột địa chính trị. Trong khi đó, thị trường cao su nội địa vẫn khá trầm lắng từ đầu năm đến nay.
Tại Sở giao dịch hàng hóa Osaka Exchange (Nhật Bản), hôm 10/10 giá cao su loại RSS3 giao sau ở mức 240 Yên/kg (tương đương 1,6 USD/kg), tăng 25% so với đầu tháng 8.
Tại Sàn giao dịch hàng hóa tương lai Thượng Hải (SHFE), thị trường Trung Quốc đóng cửa nghỉ lễ đến ngày 9/10. Sau khi giao dịch trở lại, giá cao su tăng nhẹ 1,8% so với cuối tháng trước lên 12.810 Nhân Dân Tệ/tấn (tương đương 1,75 USD/kg). Mức giá này tăng 10% so với đầu tháng 8.
Tại Thái Lan, giá cao su cũng tăng khoảng 16% trong cùng giai đoạn.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) lý giải giá cao su thế giới tăng thị trường lo ngại xung đột ở Trung Đông tiềm ẩn nguy cơ gián đoạn vận tải biển và phí vận chuyển cao hơn.
Các công ty lốp xe có khả năng tăng dự trữ cao su, do đó đẩy nhu cầu cao su tự nhiên lên cao.
Ngoài ra, trong báo cáo mới đây, tập đoàn tài chính Nhật Bản Japan Exchange Group nhận định đà tăng giá cao su trên hầu hết sàn giao dịch châu Á vừa qua được thúc đẩy bởi lực mua vào của các quỹ và giới đầu cơ. Thị trường tin rằng nền kinh tế Trung Quốc có thể sớm phục hồi nhờ các đợt giảm lãi suất gần đây, đi kèm với các biện pháp khác của chính phủ.
“Các nhà quản lý quỹ đổ xô mua hợp đồng cao su tương lai dẫn đến sự phục hồi lớn trên các sàn giao dịch Nhật Bản và quốc tế. Có thời điểm giá cao su tại sàn Osaka tăng vọt 25% do người bán gặp khó khăn trong việc mua lại khi thanh khoản thị trường thấp. Đồng thời việc chuẩn bị cao su vật chất cũng khó khăn hơn”, Japan Exchange Group cho biết.
Mưa lớn tại các quốc gia trồng cao su lớn cũng góp phần thúc đẩy giá cao su giao ngay.
Một yếu tố khác đẩy giá cao su tăng là do giá dầu thô giữ ở mức cao, nhất là sau khi căng thẳng khu vực Trung Đông bùng nổ. Tính đến ngày 16/10, giá dầu Brent quanh mức 91 USD/thùng, tăng 10% so với đầu tháng 8 và đang tiến dần đến mức đỉnh gần 1 năm.
Giá dầu thô tăng đồng nghĩa chi phí nguyên liệu cho sản xuất cao su tổng hợp tăng theo. Điều này khiến nhu cầu một phần chuyển sang cao su tự nhiên để thay thế cho cao su tổng hợp.
Trả lời trang Nikkei Asia, đại diện một công ty kinh doanh cao su cho biết: “Một số nhà sản xuất đang tăng cường sử dụng cao su tự nhiên trong một số sản phẩm”. Các nhà đầu cơ đang đặt cược rằng giá dầu thô cao hơn cũng sẽ thúc đẩy nhu cầu cao su tự nhiên.
Trái với diễn biến của thế giới, giá cao nguyên liệu của Việt Nam gần như đi ngang trong năm nay. Theo dữ liệu từ Wichart, giá cao su nguyên liệu trung bình tại Bình Phước, tính đến ngày 13/10, ở mức 275 đồng/TSC tăng nhẹ 4% so với đầu tháng 8 và không đổi so với đầu năm.
Diễn biến giá cao su nguyên liệu tại Bình Phước từ năm 2021 đến 13/10/2023 (Đơn vị: đồng/TSC, nguồn: Wichart)
Một chuyên gia phân tích cho biết giá cao su nguyên liệu của Việt Nam vẫn “lặng sóng” dù thị trường thế giới tăng mạnh bởi hoạt động tiêu thụ vẫn yếu, đặc biệt là thị trường Trung Quốc. Bên cạnh đó, giá cao su xuất khẩu liên tục giảm sâu tác động đến giá nguyên liệu trong nước.
Theo số liệu của Tổng Cục Hải quan, lượng cao su xuất khẩu trong tháng 9 đạt 193 nghìn tấn, giảm 13% so với tháng 8 và không đổi so với cùng kỳ năm ngoái.
Số liệu: Tổng Cục Hải quan (H.Mĩ tổng hợp)
Luỹ kế 9 tháng, lượng xuất khẩu gần như không đổi so với cùng kỳ năm ngoái nhưng kim ngạch giảm 18%. Nguyên nhân là giá xuất khẩu trung bình giảm.
Số liệu: Tổng Cục Hải quan (H.Mĩ tổng hợp)
Nhu cầu cao su của thị trường Trung Quốc vẫn ở mức thấp. Đồng thời, giá cao su nhập khẩu của thị trường vẫn trong xu hướng giảm. Đây cũng là thị trường tiêu thụ 81% lượng cao su xuất khẩu của Việt Nam.
Theo số liệu Hải quan Trung Quốc, nước này nhập khẩu 627 nghìn tấn cao su trong tháng 9, giảm 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 9 tháng, lượng cao su nhập khẩu tăng 13% nhưng kim ngạch giảm 10%, do giá nhập giảm 21%.
Do đó, thị trường trong nước đang chờ đợi sự phục hồi tiêu thụ cao su của Trung Quốc.
Trao đổi với VnEconomy, ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Tin tức Hàng hóa Việt Nam nhận định: “Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trên "bản đồ” thương mại cao su thế giới, đặc biệt nhu cầu nhập khẩu trong thời gian tới rất lớn. Dự báo nhu cầu cao su của Trung Quốc sẽ tăng trong những tháng cuối năm, do đó giá cao su thế giới từ nay đến cuối năm có thể hướng tới vùng giá 1.700-1.800 USD/tấn nếu kinh tế Trung Quốc và ngành công nghiệp sản xuất ô tô của nước này đạt mức kỳ vọng”.
PHÒNG KDXNK
Theo Nikkei Asia, tác động của đà tăng của giá dầu thô đang lan rộng ra nền kinh tế toàn cầu, đẩy giá đường, cao su và các mặt hàng thiết yếu khác tăng cao, đồng thời góp phần gây áp lực lạm phát dai dẳng.
Sau khi tăng mạnh do căng thẳng ở Trung Đông, giá dầu Brent đã dao động quanh mức 85 USD/thùng, cao hơn khoảng 4% so với cuối tuần trước, mặc dù có một số hoạt động chốt lời.
Giá nhiều mặt hàng khác cũng trong xu hướng tăng do ảnh hưởng từ giá dầu thô.
Đóng cửa phiên giao dịch 10/10, giá đường thô kỳ hạn tại New York đóng cửa ở mức 27 US Cent/pound, tăng 18% so với cuối tháng 6. Giá đã tăng cao tới 27,62 US Cent vào ngày 19 tháng 9, mức cao nhất trong khoảng 12 năm. Giá vào thứ Tư đã giảm nhanh xuống còn 26,58 US Cent.
Giá đường đã tăng cùng với giá dầu thô kể từ tháng 7, khi Ả Rập Saudi và Nga tuyên bố gia hạn cắt giảm sản lượng dầu.
Suy đoán rằng giá dầu thô cao sẽ đẩy giá nhiên liệu tăng và tăng nhu cầu về ethanol, một loại nhiên liệu sinh học tương đối rẻ, đang đẩy giá đường tăng cao.
Diễn biến giá đường thế giới trong 10 năm qua (Nguồn: Tradingeconomics, đơn vị US Cent/pound)
Cả ethanol trộn vào xăng dùng cho ô tô và đường thô đều được làm từ mía. Các nhà kinh doanh hàng hóa lo ngại rằng sản lượng đường thô có thể giảm nếu các nước sản xuất mía đường chuyển một lượng lớn sản phẩm của họ sang nhiên liệu ethanol sinh học.
Brazil và Ấn Độ, mỗi nước chiếm 20% sản lượng đường thô của thế giới, đang nắm giữ sự cân bằng cung cầu.
Theo Hiệp hội Năng lượng sinh học và Công nghiệp Mía đường Brazil, tính đến ngày 1/10, khoảng 50% lượng mía được sản xuất ở khu vực trung nam Brazil, chiếm 90% sản lượng của cả nước, là để làm đường thô.
Nhưng các kế hoạch đang được tiến hành để chuyển trọng tâm sang ethanol.
“Nếu giá dầu thô tiếp tục ở mức cao, tỷ lệ mía dành cho tinh luyện đường thô có thể giảm xuống mức thấp 40%. Giá đường thô có thể tăng lên quanh mức 30 cent/lb”, đại diện một công ty đường cho biết.
Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, Ấn Độ đang tăng tỷ lệ ethanol trộn vào xăng vì lý do môi trường, từ 9,3% trong năm tài chính 2022 lên mức dự kiến là 11,5% trong năm 2023. “Tỷ lệ thực tế thậm chí còn cao hơn, một phần do nhu cầu giảm tiêu thụ dầu thô”, nguồn tin tại một công ty đường khác cho biết.
Ảnh hưởng của giá dầu thô cao cũng đang lan rộng sang vật liệu công nghiệp. Hợp đồng tương lai cao su tự nhiên, được sử dụng trong lốp xe và miếng đệm, đóng cửa ở mức 236 Yên (1,59 USD)/kg trên sàn giao dịch Osaka vào thứ Tư, tăng 15% so với cuối tháng 6. Giá đạt 239 Yên vào đầu tháng 9, cao nhất kể từ tháng 10 năm 2022.
Nguồn: Investing (H.Mĩ tổng hợp)
Giá cao su tổng hợp, có nguồn gốc từ dầu thô, cũng đang tăng lên. Giá cao su butadien kỳ hạn trên Sàn giao dịch tương lai Thượng Hải đã tăng hơn 10% kể từ cuối tháng 7. Giá giao ngay cho naphtha, nguyên liệu thô của butadien, là 668 USD/tấn, tăng hơn 30% kể từ mức thấp gần đây vào cuối tháng 6.
Thị trường cao su được phân chia gần như đồng đều giữa cao su tổng hợp và cao su tự nhiên.
Đại diện một công ty kinh doanh cao su cho biết: “Một số nhà sản xuất đang tăng cường sử dụng cao su tự nhiên trong một số sản phẩm”. Các nhà đầu cơ đang đặt cược rằng giá dầu thô cao hơn cũng sẽ thúc đẩy nhu cầu cao su tự nhiên.
Giá dầu thô cao cũng đang đẩy chi phí năng lượng lên cao.
Hợp đồng nhôm kỳ hạn ba tháng trên Sàn giao dịch kim loại London nhanh chóng đạt mức cao nhất trong 5 tháng vào ngày 2/10. Nhôm sử dụng một lượng điện lớn khi nấu chảy. Người mua dự đoán giá dầu thô tăng cũng sẽ đẩy giá khí đốt tự nhiên tăng lên, chi phí điện tăng theo, dẫn đến giá nhôm tăng.
Giá nguyên liệu thô được sử dụng trong nhiều loại thành phẩm tăng vọt có thể kéo dài lạm phát .
Ông Tomomichi Akuta, nhà nghiên cứu cấp cao tại Mitsubishi UFJ Research and Consulting, cho biết: “Giá đường tăng có thể sẽ ảnh hưởng đến giá các sản phẩm bánh kẹo và đồ uống, đặc biệt là ở Mỹ, nơi tiền lương tăng trưởng ổn định”.
Ông nói thêm: “Giá thực phẩm cao hơn có thể trở thành yếu tố khiến chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ, tăng trở lại”.
H.Mĩ