Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam cho biết trong quý II, xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt 380,3 nghìn tấn, trị giá 646,4 triệu USD, tăng 23,6% về lượng và tăng 22,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Xuất khẩu cao su của Việt Nam trong quý II tiếp tục phục hồi nhờ nhu cầu tiêu thụ cao su toàn cầu tăng.
Trong quý II, cao su của Việt Nam chủ yếu được xuất khẩu sang khu vực châu Á, chiếm tới 87,5% tổng trị giá xuất khẩu cao su của cả nước, với 335,3 nghìn tấn, trị giá 565,4 triệu USD, tăng 31,6% về lượng và tăng 31,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Nhìn chung, xuất khẩu cao su của Việt Nam sang phần lớn các thị trường đều tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất tiêu thụ cao su của Việt Nam, với hơn 256 nghìn tấn, trị giá hơn 416 triệu USD, tăng 27,4% về lượng và tăng hơn 26% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021, chiếm 64,4% trong tổng trị giá xuất khẩu cao su của cả nước.
Đứng thứ hai là Ấn Độ với hơn 28 nghìn tấn, trị giá gần 51 triệu USD, tăng 93% về lượng và tăng hơn 91% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021, chiếm gần 8% trong tổng trị giá xuất khẩu cao su của cả nước trong quý 2/2022.
Về chủng loại xuất khẩu, phần lớn các chủng loại cao su xuất khẩu đều tăng trưởng tốt so với so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp (HS 400280) là mặt hàng được xuất khẩu nhiều nhất, chiếm 64,4% tổng trị giá cao su xuất khẩu của cả nước, với hơn 197 nghìn tấn, trị giá 333,38 triệu USD, tăng 13,6% về lượng và tăng hơn 15% về trị giá.
Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm gần như hoàn toàn trong tổng trị giá hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp xuất khẩu của cả nước, với 19,8 nghìn tấn, trị giá gần 323 triệu USD, tăng 14,2% về lượng và tăng 15,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Trong quý II, giá xuất khẩu bình quân một số chủng loại cao su có xu hướng tăng so với cùng kỳ năm 2021, trong đó đáng chú ý như SVR 20 tăng 4,3%; cao su hỗn hợp (HS 4005) tăng 14,8%.. Tuy nhiên, giá xuất khẩu bình quân một số chủng loại có xu hướng giảm như: SVR 3L giảm 5,8%; SVR CV60 giảm 7,8%; RSS3 giảm 5,5%...
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết trong quý II, thị trường cao su bị tác động mạnh bởi tình hình dịch bệnh, khủng hoảng địa chính trị, tình trạng thiếu container, chi phí vận tải cao, giá nhiên liệu tăng mạnh và thông quan chậm ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu.
Giá cao su tại các sàn giao dịch chủ chốt trên thế giới biến động mạnh với xu hướng tăng mạnh trong 15 ngày đầu tháng 4, sau đó giảm đến hết tháng 5 và phục hồi trở lại trong tháng 6. Trong tháng 7, giá có xu hướng giảm.
Cụ thể, tại Sở giao dịch hàng hóa Osaka Exchange (OSE) Nhật Bản giá cao su đạt đỉnh vào ngày 15/4 ở mức 272,6 Yên/ kg, sau đó giảm xuống mức 238 Yên/kg vào ngày 13/5, phục hồi lên mức 262 Yên/kg vào ngày 28/6, sau đó giảm trở lại.
Ngày 28/7, giá cao su RSS3 giao kỳ hạn gần ở mức 251,5 Yên/kg (tương đương 1,86 USD/kg), giảm 3,5% so với cuối tháng 6, nhưng tăng 19,8% so với cùng kỳ năm 2021.
Tại Sàn giao dịch hàng hóa tương lai Thượng Hải (SHFE), giá cao su liên tục giảm mạnh so với quý I. Sau khi giảm xuống mức 12.345 NDT/tấn vào ngày 9/5, giá có xu hướng tăng trở lại trong tháng 5, sau đó quay đầu giảm từ đầu tháng 6 đến ngày 22/7.
Giá cao su có xu hướng tăng nhẹ trong mấy phiên cuối tháng 7 nhưng so với cuối tháng trướcvẫn ở mức thấp hơn. Ngày 28/7, giá cao su RSS3 giao kỳ hạn gần ở mức 12.100 NDT/tấn (tương đương 1,79 USD/kg), giảm 4,8% so với cuối tháng 6 và giảm 7,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Tại Thái Lan, giá cao su biến động mạnh trong quý II. Sau khi giảm xuống mức 67,7 Baht/kg vào ngày 28/4, giá tăng lên mức 73,1 Baht/kg vào ngày 6/6, nhưng sau đó giảm trở lại do nguồn cung cao trong mùa cao điểm khai thác mủ ở Thái Lan.
Ngày 28/7, giá cao su RSS3 chào bán ở mức 61,2 Baht/kg (tương đương 1,67 USD/ kg), giảm 7,4% so với cuối tháng 6, nhưng vẫn cao hơn 10% so với cùng kỳ năm 2021.
Theo Hiệp hội các nước sản xuất cao su tự nhiên (ANRPC), triển vọng thị trường cao su tự nhiên dự kiến sẽ cải thiện hơn trong năm 2022. Trong tháng 6/2022, sản lượng cao su tự nhiên toàn cầu đạt 1,1 triệu tấn, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2021; trong khi tiêu thụ đạt 1,2 triệu tấn, tăng 5,8% so với tháng 6/2021. Do đó nguồn cung thiếu hụt khoảng 93.000 tấn. ANRPC dự báo nguồn cung cao su toàn cầu tiếp tục thiếu hụt so với nhu cầu trong các năm tới.
Taij thị trường trong nước, trong quý II, giá mủ cao su nguyên liệu tại một số tỉnh cũng biến động mạnh với xu hướng tăng mạnh trong tháng 4, sau đó giảm trở lại trong tháng 5 và tháng 6. Xu hướng giảm giá tiếp tục diễn ra trong tháng 7/2022.
Hiện nay, tại Bình Phước, giá mủ cao su nước được Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng thu mua ở mức 307 đồng/độ TSC, giảm 16 đồng/độ TSC; giá mủ tạp thu mua ở mức 290 đồng/độ DRC, giảm 10 đồng/độ DRC so với cuối tháng 6.
Tại Bình Dương, giá thu mua mủ cao su nguyên liệu của Công ty cao su Phước Hòa dao động ở mức 311-313 đồng/độ TSC. Giá mủ cao su Gia Lai được Công ty cao su Mang Yang thu mua với giá 285- 295 đồng/độ TSC, giảm 10 đồng/độ TSC so với cuối tháng 6.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết trong 10 ngày giữa tháng 7, giá cao su tại các sàn châu Á biến động mạnh trong bối cảnh lo ngại về sự bùng phát của đại dịch COVID-19 ở Trung Quốc, Nhật Bản và lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu sẽ làm nhu cầu chậm lại.
Cụ thể, tại Sở giao dịch hàng hóa Osaka Exchange (OSE), giá cao su tăng lên 261 Yên/kg vào ngày 15/7 nhưng sau đó giá giảm mạnh.
Ngày 18/7 giá cao su RSS3 giao kỳ hạn gần ở mức 254,2 Yên/kg (tương đương 1,84 USD/kg), giảm 0,5% so với 10 ngày trước đó, nhưng tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2021.
Diễn biến giá cao su RSS3 tại sàn OSE từ tháng 6/2022 đến nay (ĐVT: Yên/kg). (Nguồn: cf.market-info.jp/Bộ Công Thương)
Tại sàn SHFE Thượng Hải giá giảm mạnh. Ngày 18/7, giá cao su RSS3 giao kỳ hạn gần ở mức 11.930 NDT/tấn (tương đương 1,77 USD/tấn), giảm 4,7% so với 10 ngày trước đó và giảm 10,7% so với cùng kỳ năm 2021.
Tại Thái Lan, giá cao su tự nhiên tiếp tục giảm mạnh. Ngày 18/7 giá cao su RSS3 chào bán ở mức 62,3 Baht/kg (tương đương 1,7 USD/kg), giảm 3,4% so với 10 ngày trước đó, nhưng tăng 10,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tại thị trường Việt Nam, trong 10 ngày giữa tháng 7, giá mủ cao su nguyên liệu tại một số tỉnh biến động nhẹ.
Tại Bình Phước, giá mủ cao su nguyên liệu được Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng thu mua ở mức từ 310-290 đồng/ TSC, giảm 10 đồng/TSC so với 10 ngày trước đó.
Tại Bình Dương, giá thu mua mủ cao su nguyên liệu của Công ty cao su Phước Hòa ổn định ở mức 323-325 đồng/TSC. Giá mủ cao su Gia Lai được Công ty cao su Mang Yang thu mua với giá 295-305 đồng/TSC.
Hiệp hội Cao su Việt Nam cho biết, diện tích cây cao su ở Việt Nam hiện có 938.800 ha, chiếm 7,2% tổng diện tích cao su toàn cầu. Sản lượng thu hoạch mủ cao su của Việt Nam đạt 1,26 triệu tấn năm 2021, chiếm 8,7% sản lượng cao su toàn cầu. Dự kiến sản lượng mủ cao su thu hoạch trong cả năm 2022 đạt khoảng 1,3 triệu tấn.
Theo Doanh Nghiệp & Kinh Doanh