Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam cho biết, trong tháng 8, Việt Nam xuất khẩu gần 219,3 nghìn tấn cao su, trị giá gần 332,4 triệu USD, tăng 11,6% về lượng và tăng 4,2% về trị giá so với tháng 7; so với tháng 8/2021 tăng gần 16% về lượng và tăng hơn 7% về trị giá.
Lũy kế 8 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cao su đạt 1,2 triệu tấn, trị giá hơn 2 tỷ USD, tăng 8,7% về lượng và tăng 8,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Giá cao su xuất khẩu bình quân tháng 8 đạt 1.516 USD/tấn, giảm 6,6% so với tháng 7 và giảm 7,6% so với tháng 8/2021. Đây là mức giá thấp nhất kể từ đầu năm 2021 đến nay.
Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam trong tháng 8, chiếm 74,6% tổng lượng cao su xuất khẩu của cả nước, với 163,58 nghìn tấn, trị giá hơn 241 triệu USD, tăng 16,8% về lượng và tăng 9,5% về trị giá so với tháng 7; so với tháng 8/2021 tăng 20,3% về lượng và tăng 9,2% về trị giá.
Giá cao su xuất khẩu bình quân sang Trung Quốc trong tháng 8 ở mức 1.474 USD/tấn, giảm 6,2% so với tháng 7 và giảm 9,3% so với tháng 8/2021.
Lũy kế 8 tháng đầu năm 2022, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc hơn 840 nghìn tấn cao su, trị giá 1,36 tỷ USD, tăng gần 8% về lượng và tăng hơn 8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Ngoài ra, xuất khẩu cao su sang một số thị trường chủ chốt như: Ấn Độ, Hàn Quốc, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil, Indonessia… tiếp tục tăng trưởng tốt cả về lượng và trị giá so với tháng 8/2021.
Tại Sở giao dịch hàng hóa Osaka Exchange (OSE), giá cao su liên tục giảm so với 10 ngày trước đó. Ngày 19/9, giá cao su RSS3 giao kỳ hạn gần ở mức 215 Yên/ kg (tương đương 1,5 USD/kg), giảm 3,2% so với 10 ngày trước đó, nhưng tăng 12,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Theo Cục Xuất nhập khẩu, giá cao su tại Nhật Bản giảm do lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu, mặc dù sự gia tăng tại thị trường Thượng Hải đã hạn chế đà giảm
Tại sàn SHFE Thượng Hải, giá cao su biến động mạnh. Sau khi tăng lên 11.940 NDT/tấn vào ngày 15/9, giá giảm trở lại, nhưng vẫn tăng so với 10 ngày trước đó.
Ngày 19/9, giá cao su RSS3 giao kỳ hạn gần ở mức 11.865 NDT/tấn (tương đương 1,69 USD/tấn), tăng gần 3% so với 10 ngày trước đó, nhưng giảm 8,2% so với cùng kỳ năm 2021.
Giá cao su tại Trung Quốc phục hồi sau khi Chính phủ nước này tái khẳng định cam kết ổn định nền kinh tế thông qua hỗ trợ chính sách theo từng giai đoạn. Trung Quốc tiếp tục đưa ra các chính sách theo từng giai đoạn để ổn định kinh tế, tập trung vào sự phục hồi tiêu dùng và thúc đẩy đầu tư, đồng thời khẳng định thực hiện các chính sách này càng sớm càng tốt.
Trong khi đó, doanh số bán ô tô của Trung Quốc trong tháng 8 tăng mạnh, đạt 2,38 triệu chiếc, tăng hơn 32% so với cùng kỳ năm 2021, dẫn đầu là doanh số bán xe điện do được thúc đẩy bởi chính sách khuyến khích của Chính phủ.
Tại Thái Lan, giá cao su tự nhiên giảm xuống mức 50,9 Baht/kg vào ngày 12/9, sau đó giá tăng nhẹ trở lại. Ngày 19/9, cao su RSS3 được chào bán ở mức 52,1 Baht/ kg (tương đương 1,41 USD/kg), tăng hơn 2% so với 10 ngày trước đó, nhưng vẫn giảm 5,3% so với cùng kỳ năm 2021.
Tại Ấn Độ, giá cao su tự nhiên liên tục giảm mạnh trong thời gian qua, khiến khoảng 12 nghìn người trồng cao su quy mô nhỏ ở bang Kerala - khu vực trồng cao su trọng điểm của Ấn Độ đang phải chịu thua lỗ.
Nông dân ở bang Kerala đã đưa ra các đề xuất bao gồm việc tăng thuế nhập khẩu đối với mủ cao su và cao su hỗn hợp, đề nghị được tăng trợ cấp tái canh (hiện vẫn ở mức 25.000 Rupee/ha) và điều chỉnh giá hỗ trợ của cây trồng theo chương trình bình ổn giá từ 170 Rupee lên 200 Rupee.
Tại thị trường Việt Nam, trong 10 ngày giữa tháng 9, giá mủ cao su nguyên liệu tại một số tỉnh, thành phố giảm 5-10 đồng/TSC so với 10 ngày trước đó.
Tại Bình Phước, giá mủ cao su nguyên liệu được Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng thu mua ở mức từ 260-270 đồng/TSC, giảm 5 đồng/TSC so với 10 ngày trước đó.
Tại Bình Dương, giá thu mua mủ cao su nguyên liệu của Công ty cao su Phước Hòa dao động ở mức 273-275 đồng/TSC, giảm 7 đồng/TSC so với 10 ngày trước đó. Tại Gia Lai, mủ cao su được Công ty cao su Mang Yang thu mua với giá 250-260 đồng/TSC, giảm 10 đồng/ TSC so với 10 ngày trước đó.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho biết, 8 tháng đầu năm 2022, Việt Nam xuất khẩu được 88,72 nghìn tấn cao su sang Ấn Độ, trị giá đạt 157,11 triệu USD, tăng 45,5% về lượng và tăng 44,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021; giá xuất khẩu bình quân đạt 1.771 USD/tấn, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong 8 tháng đầu năm 2022, chủng loại cao su SVR10 được xuất khẩu sang Ấn Độ nhiều nhất, chiếm 34,7% tổng lượng cao su xuất khẩu sang Ấn Độ. Đứng thứ 2 là chủng loại SVR3L chiếm 28,9% và thứ ba là RSS3 chiếm 11,7% tổng lượng cao su xuất khẩu sang Ấn Độ.
Giá xuất khẩu bình quân trong 8 tháng đầu năm 2022 của một số chủng loại cao su sang Ấn Độ tăng so với cùng kỳ năm 2021 như: SVR20 tăng 4%; SVR10 tăng 3,8%; Latex tăng 4,4%... Tuy nhiên, giá xuất khẩu bình quân một số chủng loại cao su sang Ấn Độ vẫn giảm như SVR3L giảm 2,9%; SVR CV60 giảm 0,6%; SVR CV50 giảm 1,9%...
Còn theo số liệu thống kê của Bộ Thương mại Ấn Độ, trong 7 tháng đầu năm 2022, Ấn Độ nhập khẩu 701,55 nghìn tấn cao su (HS 4001; 4002; 4003; 4005), trị giá 1,57 tỷ USD, tăng 2,3% về lượng và tăng 17,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Trong các thị trường nhập khẩu cao su, Ấn Độ nhập từ các thị trường Việt Nam, Malaisia và Bờ biển Ngà đã tăng mạnh cả về lượng và trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Việt Nam là thị trường cung cấp cao su lớn thứ hai cho Ấn Độ với 74,07 nghìn tấn, trị giá 146,95 triệu USD, tăng gần 53% về lượng và tăng 58,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Cao su nhập khẩu từ Việt Nam chiếm 10,6% trong tổng lượng cao su nhập khẩu của Ấn Độ trong 7 tháng đầu năm 2022, cao hơn so với mức 7,1% của cùng kỳ năm 2021.