Nguồn cung cao su thiên nhiên giảm và mưa lớn ở các quốc gia sản xuất cao su chủ chốt, cùng với hy vọng về đàm phán thuế quan giữa Mỹ - Trung và các biện pháp kích thích kinh tế mới từ Trung Quốc đã thúc đẩy tâm lý thị trường.
Kết thúc phiên giao dịch 21/4, tại Nhật Bản, giá cao su kỳ hạn tháng 4 tăng 0,2% (0,7 yên) lên mức 296 yen/kg. Ở Trung Quốc, giá cao su kỳ hạn tháng 5 giảm 0,07% (10 nhân dân tệ) về mức 14.705 nhân dân tệ/tấn; trong khi tại Thái Lan, giá cao su kỳ hạn tháng 5 tăng 1,4% (1,05 baht) lên mức 73,68 baht/kg.
Nguồn: Lan Hương tổng hợp từ Sở giao dịch Osaka và Hiệp hội cao su Thái Lan
Trong khi đó tại Malaysia, thị trường cao su đóng cửa với xu hướng trái chiều giữa bối cảnh giá cao su kỳ hạn các khu vực khác tăng cao và đồng ringgit mạnh hơn so với đô la Mỹ, theo lời một thương nhân chia sẻ với Bernama.
Nguồn cung cao su thiên nhiên (NR) giảm và mưa lớn ở các quốc gia sản xuất cao su chủ chốt, cùng với hy vọng về đàm phán thuế quan giữa Mỹ - Trung và các biện pháp kích thích kinh tế mới từ Trung Quốc đã thúc đẩy tâm lý thị trường.
Tuy nhiên, bên cạnh đồng ringgit mạnh hơn, giá dầu thô giảm giữa lúc có nhiều bất ổn liên quan đến chính sách thuế quan của Mỹ đã làm suy yếu tâm lý tích cực, bà cho biết với Bernama.
Giá dầu đã giảm gần 2% trong phiên giao dịch châu Á hôm qua khi các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Iran về chương trình hạt nhân của Iran giúp xoa dịu lo ngại về gián đoạn nguồn cung. Đồng thời, một lệnh ngừng bắn tạm thời giữa Nga và Ukraine cho dịp lễ Phục Sinh cũng góp phần giảm bớt rủi ro từ giá dầu.
Lúc 3 giờ chiều, Hội đồng Cao su Malaysia báo cáo giá cao su Malaysia tiêu chuẩn (SMR) 20 đã tăng 9.5 sen lên mức 760.50 sen mỗi kg so với thứ Năm tuần trước, trong khi mủ cao su dạng lỏng giảm 5.0 sen xuống còn 646.50 sen mỗi kg.
Trong nước, một số doanh nghiệp vẫn giữ giá cao su bình ổn. Cụ thể, Công ty Cao su Phú Riềng giữ nguyên giá thu mua mủ tạp ở mức 400 đồng/DRC, mủ nước là 440 đồng/TSC.
Tại Công ty Cao su Bà Rịa, giá thu mua mủ nước ở mức 462 đồng/độ TSC/kg (áp dụng cho độ TSC từ 25 đến dưới 30); mủ đông DRC (35 - 44%) ở mức 13.600đ/kg; mủ nguyên liệu dao động từ 16.900 - 18.200 đồng/kg.
Trong khi đó, Công ty Cao su Mang Yang báo giá thu mua mủ nước dao động khoảng 415 – 420 đồng/TSC (loại 2-loại 1), còn mủ đông tạp khoảng 378 - 430 đồng/DRC (loại 2-loại 1). Giá thu mua có hiệu lực từ ngày 15/4/2025.
Theo Doanh Nghiệp & Kinh Doanh
Kim ngạch nhập khẩu sầu riêng của Trung Quốc đã giảm mạnh 57,8% trong 2 tháng đầu năm, sau khi nước này siết chặt kiểm soát chất Cadmium và vàng O.
Theo Hải quan Trung Quốc, nhập khẩu sầu riêng của Trung Quốc trong 2 tháng đầu năm nay chỉ đạt 22.988 tấn, trị giá 120,1 triệu USD, giảm 56,8% về lượng và 57,8% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Nguồn cung sầu riêng cho thị trường Trung Quốc trong 2 tháng đầu năm vẫn chủ yếu đến từ quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, khối lượng nhập khẩu từ hầu hết thị trường đều giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, kim ngạch nhập khẩu sầu riêng của Trung Quốc từ Thái Lan đạt cao nhất 79,2 triệu USD, giảm 34,2% so với cùng kỳ và chiếm 66% thị phần.
Tiếp đến nhập khẩu từ Việt Nam đạt 38,8 triệu USD, giảm 76% và chiếm 56,9%. Thị phần nhỏ còn lại thuộc về Malaysia và Philippines, với kim ngạch lần lượt đạt 2 triệu USD và 123,4 nghìn USD.
Không chỉ sụt giảm về lượng, giá sầu riêng xuất khẩu bình quân của Thái Lan và Việt Nam vào Trung Quốc cũng giảm lần lượt 10% và 7,5%, xuống còn 5.529 USD/tấn và 4.561 USD/tấn.
Ngược lại, giá xuất khẩu sầu riêng của Philippines tăng 15,2%, đạt bình quân 3.542 USD/tấn. Ngoài ra, giá sầu riêng Malaysia xuất khẩu vào Trung Quốc lên đến 15.167 USD/tấn, cao hơn nhiều các quốc gia khác.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết xuất khẩu sầu riêng vào Trung Quốc giảm mạnh do các vấn đề liên quan đến xét nghiệm chất cadmium và chất vàng O.
"Phía Trung Quốc phát hiện những lô hàng sầu riêng của Việt Nam có dư lượng chất cấm nên họ trả về. Ngoài ra đây cũng chưa phải là thời điểm chín rộ của cây sầu riêng", ông Nguyên nói.
Cũng theo ông Nguyên, để giải quyết vấn đề này cần nhiều thời gian. Các vùng đất trồng sầu riêng phải kiểm tra lại xem có bị nhiễm cadmium hay không, nếu bị nhiễm sẽ không được mua để xuất khẩu.
Tại thị trường nội địa Việt Nam, theo ghi nhận từ Báo Ấp Bắc, giá sầu riêng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang tiếp tục giảm mạnh.
Anh Huỳnh Thanh Nhã, một thương lái thu mua sầu riêng tại huyện Cái Bè cho biết, giá sầu riêng Ri 6 mua tại vườn hiện có giá từ 35.000 - 40.000 đồng/kg, sầu riêng Monthong (Thái) có giá từ 60.000 - 65.000 đồng/kg.
Hiện nay, nhiều vựa ngừng thu, chỉ còn vài kho thu sầu riêng Thái. Riêng sầu riêng Ri 6 còn tiêu thụ tại các chợ được nên tình hình tiêu thụ tương đối ổn hơn hàng Thái.
Anh Nhã cho biết thêm: “Hiện giá sầu riêng giảm từ 30.000 - 40.000 đồng/kg so với tháng trước. Tháng trước, sầu riêng Thái loại A đóng hàng tại kho có giá 120.000 - 125.000 đồng/kg, Ri 6 loại A có giá từ 80.000 - 85.000 đồng/kg. Hàng loại A có giá cao hơn loại B trung bình 20.000 đồng/kg.
Hiện tại, nguồn cung sầu riêng trên địa bàn không nhiều. Sầu riêng ở các tỉnh Đồng Tháp. TP. Cần Thơ đang bắt đầu thu hoạch rộ. Riêng các tỉnh miền Đông thì đang chuẩn bị vào vụ. Do sầu riêng rớt giá nên những ngày gần đây, thương lái đề nghị nhà vườn giảm giá. Nhà vườn thì bán không có lời do giá sầu riêng giảm liên tục.
Theo một doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng tại huyện Cai Lậy, tình hình xuất khẩu sầu riêng đang rất khó khăn. Trước đây, doanh nghiệp chủ yếu thu mua và xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, trước những khó khăn trong xuất khẩu mà nguyên nhân chính là Trung Quốc siết chặt kiểm tra chất Cadimi nên doanh nghiệp đã tạm ngừng xuất sầu riêng sang thị trường này.
Hiện nguồn cung tại Tiền Giang không nhiều, việc thu gom hàng rất khó khăn. Chưa kể, doanh nghiệp có thể gặp rủi ro nếu lô hàng bị nhiễm Cadimi. Do đó, thời gian gần đây, công ty đã chuyển hướng xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Đài Loan.
Theo Doanh Nghiệp & Kinh Doanh