HomeTIN TỨCTHỊ TRƯỜNG
Datetime: 15 04 2025

ANRPC dự báo giá cao su thiên nhiên có thể tăng trong thời gian tới nhờ các yếu tố nội tại, bất chấp căng thẳng thương mại toàn cầu.

Cập nhật giá cao su thế giới 

Kết thúc phiên giao dịch 14/4, tại Nhật Bản, giá cao su  kỳ hạn tháng 4 tăng 1,3% (4 yên) lên mức 300,5 yen/kg. Ở Trung Quốc, giá cao su tiếp tục tăng 2,1% (310 nhân dân tệ) lên mức 15.010 nhân dân tệ/tấn; trong khi tại Thái Lan, giá cao su kỳ hạn tháng 5 đi ngang mức 72,63 baht/kg khi hôm qua trùng vào ngày Tết Songkran, ngày Lễ sẽ kéo dài tới hết hôm nay.

  Nguồn: Lan Hương tổng hợp từ Sở giao dịch Osaka và Hiệp hội cao su Thái Lan 

Hiệp hội Các nước Sản xuất Cao su Thiên nhiên (ANRPC) cho biết, giá cao su có thể được củng cố trong thời gian tới nhờ những yếu tố nội tại, dù các căng thẳng thương mại toàn cầu vẫn tiếp diễn.

Trong báo cáo thị trường tháng 2 vừa công bố gần đây, ANRPC nhận định nguồn cung cao su thiên nhiên (NR) đang có xu hướng thắt chặt, có thể đẩy giá tăng trong ngắn hạn.

Theo ANRPC, các yếu tố như hiện tượng thời tiết El Niño, diện tích trồng cao su già cỗi và tình trạng thiếu hụt lao động  khai thác cao su là những nguyên nhân chính khiến sản lượng giảm và giá cao su tăng trong tháng 2.

Bước sang tháng 3, sản lượng cao su được ước tính ở mức 758.000 tấn do ảnh hưởng của hiện tượng rụng lá theo mùa. Trong khi đó, nhu cầu được dự báo đạt 1,394.8 triệu tấn và điều này sẽ dẫn tới khả năng thiếu hụt nguồn cung.

Về các tác động bên ngoài, ANRPC cho biết việc Liên minh châu Âu hoãn thực thi Quy định chống phá rừng (EUDR) đến tháng 12/2025 và nhu cầu mạnh từ các nhà sản xuất lốp xe Trung Quốc là những yếu tố hỗ trợ thị trường trong thời gian tới.

Tuy nhiên, ANRPC cảnh báo rằng chính sách thương mại liên tục thay đổi của chính quyền Mỹ và căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc có thể dẫn tới “những biến động trong thị trường”.

Thêm vào đó, biến động tỷ giá – đặc biệt là sự khó lường trong chính sách tiền tệ của Mỹ – cũng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu toàn cầu. Trong khi đó, các sàn giao dịch cao su chính đang chứng kiến xu hướng giảm giá kéo dài nhiều tuần gần đây, phần lớn do tác động của các căng thẳng thương mại toàn cầu chưa hạ nhiệt.

Cập nhật giá cao su trong nước

Trong nước, một số doanh nghiệp vẫn giữ giá cao su bình ổn. Cụ thể, Công ty Cao su Phú Riềng giữ nguyên giá thu mua mủ tạp ở mức 400 đồng/DRC, mủ nước là 440 đồng/TSC.

Tại Công ty Cao su Bà Rịa, giá thu mua mủ nước ở mức 462 đồng/độ TSC/kg (áp dụng cho độ TSC từ 25 đến dưới 30); mủ đông DRC (35 - 44%) ở mức 13.600đ/kg; mủ nguyên liệu dao động từ 16.900 - 18.200 đồng/kg. Trong khi đó, Công ty Cao su Mang Yang báo giá thu mua mủ nước khoảng 443 – 447 đồng/TSC, còn mủ đông tạp khoảng 406 - 461 đồng/DRC. Giá thu mua có hiệu lực từ ngày 14/3/2025.

Theo Doanh Nghiệp & Kinh Doanh

Datetime: 08 04 2025

Khó khăn trong xuất khẩu sang Trung Quốc khiến sầu riêng từ vị trí dẫn dầu tụt xuống thứ ba, với kim ngạch thấp hơn thanh long, chuối.

Sầu riêng, loại trái cây từng đứng đầu kim ngạch xuất khẩu  rau quả, đang đối mặt với nhiều thách thức. Số liệu hải quan vừa công bố chi tiết cho thấy, hai tháng đầu năm 2025, giá trị xuất khẩu loại quả này chỉ đạt gần 52,7 triệu USD, giảm tới 69% so với cùng kỳ năm trước.

Đặc biệt, kim ngạch từ thị trường lớn nhất là Trung Quốc giảm đến 83%, chỉ còn 27 triệu USD, kéo sầu riêng tụt xuống vị trí thứ ba sau thanh long và chuối.

Trong bức tranh ảm đạm đó, một số điểm sáng vẫn xuất hiện. Xuất khẩu sản phẩm này sang Hong Kong và Đài Loan tăng vọt, lần lượt gấp 31 lần và 74 lần, đạt 3,7 và 1,34 triệu USD. Đây là hai thị trường lớn thứ ba và tư sau Trung Quốc và Thái Lan. Mỹ cũng ghi nhận mức tăng nhẹ, đạt gần 1,2 triệu USD, tăng 8,3% so với cùng kỳ, giữ vị trí thứ năm trong danh sách các thị trường nhập khẩu  sầu riêng từ Việt Nam.

So với các loại khác, trái cây này đang bị bỏ lại phía sau. Trong khi sầu riêng đạt kim ngạch 52,7 triệu USD, thanh long vươn lên dẫn đầu với 93,8 triệu USD, chuối xếp thứ hai với 71,6 triệu USD.

Sầu riêng được thu hoạch tại nhà vườn Cần Thơ. (Ảnh: Mạnh Khương).

Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, nguyên nhân chính khiến trái cây này giảm mạnh là do các quy định kiểm soát chặt chẽ từ Trung Quốc và các thị trường xuất khẩu khác. Trung Quốc siết kiểm tra hàm lượng hợp chất vàng O - chất có nguy cơ gây ung thư - khiến nhiều lô hàng bị ách tắc, buộc doanh nghiệp bán lại nội địa với giá thấp.

Mỹ cũng tăng cường kiểm soát, cấm 7 loại hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật và yêu cầu mã số vùng trồng, mã số đóng gói do Bộ Nông nghiệp Mỹ cấp. Châu Âu nâng tỷ lệ kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật từ 10% lên 20%, gây thêm áp lực cho xuất khẩu trái cây Việt Nam.

Ở trong nước, nhiều nhà vườn lúng túng trong việc kiểm soát cadimi, còn các kho đóng gói lại gặp khó trong khâu bảo quản sau thu hoạch. Thị trường sầu riêng đang phân hóa mạnh. Các vườn canh tác bài bản, đạt chuẩn an toàn thực phẩm có thể bán với giá cao, trong khi vườn nhỏ lẻ làm theo kinh nghiệm chỉ bán được giá rất thấp. Dù các vựa thu mua đang báo giá khá tốt, nhưng tỷ lệ hàng đạt chuẩn để hưởng mức giá này lại rất ít.

Khảo sát ngày 7/4 cho thấy, giá thu mua sầu riêng Ri6 loại A tại các vựa dao động quanh mức 75.000 đồng một kg, trong khi hàng loại C và D chỉ còn 35.000 - 40.000 đồng một kg.

Ông Mạnh Khương, một đầu mối thu mua lớn ở miền Tây, cho biết ông chỉ nhập hàng từ các vườn có quan hệ lâu năm và đảm bảo kỹ thuật canh tác. Thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản vẫn duy trì sức mua ổn định, trong khi Trung Quốc vẫn còn nhiều rào cản. Hiện tại, phần lớn hàng ông thu mua vẫn cung cấp cho thị trường nội địa nên giá khá ổn định, chưa biến động lớn.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp kỳ vọng rằng khi các lô hàng đông lạnh được xuất khẩu mạnh hơn sang Trung Quốc, thị trường sẽ có nhiều chuyển biến tích cực. Đặc biệt, vào chính vụ từ tháng 6 đến tháng 10, sản lượng xuất khẩu có thể bùng nổ và loại quả này có cơ hội trở lại vị trí dẫn đầu ngành trái cây xuất khẩu.

Trước đó, lô sầu riêng đông lạnh đầu tiên của Việt Nam được xuất khẩu sang Trung Quốc vào ngày 24/3. Lô hàng này có trọng lượng 24 tấn, do Công ty cổ phần Nông sản Nam Đô thực hiện, xuất phát từ nhà máy tại huyện Krông Pắc, tỉnh Đăk Lăk.

Trước đó, vào ngày 19/8/2024, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cùng Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký nghị định thư về việc xuất khẩu sầu riêng đông lạnh, mở đường cho việc xuất khẩu chính ngạch loại sản phẩm này.

Theo VnExpress

Datetime: 08 04 2025

Giá cao su đồng loạt lao dốc trong phiên hôm qua khi lo ngại triển vọng nhu cầu tiêu thụ chịu tác động mạnh từ thuế quan của Mỹ. Trong đó, Nhật Bản chạm mức thấp nhất 13 tháng, còn Trung Quốc thấp nhất 10 tháng.

Cập nhật giá cao su thế giới 

Kết thúc phiên giao dịch 7/4, tại Nhật Bản, giá cao su  kỳ hạn tháng 4 giảm rất mạnh 9% (28,8 yen/kg) về mức 291,9 yen/kg, ghi nhận mức thấp nhất kể từ ngày 29/2/2024. Ở Trung Quốc, giá cao su giảm 5,5% (905 nhân dân tệ) về mức 15.405 nhân dân tệ/tấn, thấp nhất kể từ ngày 13/5/2024. Trong khi tại Thái Lan, giá cao su kỳ hạn tháng 4 đi ngang ở mức 81,17 baht/kg do hôm qua là Ngày Lễ Quốc Gia.

 Nguồn: Lan Hương tổng hợp từ Sở giao dịch Osaka và Hiệp hội cao su Thái Lan 

Giá cao su sụt giảm mạnh phản ánh triển vọng nhu cầu toàn cầu suy yếu sau khi Tổng thống Donald Trump triển khai loạt thuế quan quy mô lớn.

Các biện pháp mới bao gồm thuế 10% đối với hàng hóa nhập khẩu  và thuế 25% đối với ô tô nhập khẩu, đã làm dấy lên lo ngại về việc nhu cầu yếu đi trong các ngành công nghiệp then chốt sử dụng cao su.

Ngành ô tô, đặc biệt là sản xuất lốp xe, được dự báo sẽ bị ảnh hưởng khi chi phí tăng cao gây áp lực lên sản xuất.

Ngoài ra, các mức thuế bổ sung đối với Trung Quốc – quốc gia mua cao su lớn nhất – đã khiến triển vọng nhu cầu càng trở nên ảm đạm hơn.

Tuy vậy, các nhà phân tích cho rằng giá cao su có thể được hỗ trợ phần nào nhờ điều kiện thời tiết bất lợi đang làm giảm sản lượng cao su tự nhiên và hạn chế nguồn cung.

Bên cạnh đó, các biện pháp hỗ trợ dự kiến từ chính quyền Trung Quốc nhằm đối phó với thuế quan cũng có thể giúp ổn định giá cả.

Trên thị trường Malaysia, giá cao su cũng đóng cửa giảm do chịu ảnh hưởng từ thị trường cao su khu vực và giá dầu thô giảm.

"Tuy nhiên, tổn thất đã được hạn chế bởi mùa đông đang diễn ra, gây gián đoạn nguồn cung cao su thiên nhiên (NR) tại các nước sản xuất cao su lớn và đồng ringgit yếu hơn so với USD trong bối cảnh kỳ vọng vào các biện pháp kích thích của Trung Quốc", một thương nhân chia sẻ với Bernama.

Trong khi đó, thương nhân cũng cho biết, đà giảm giá cao su tương lai của Nhật Bản cũng làm dấy lên lo ngại về một cuộc chiến thương mại lan rộng và làm giảm triển vọng nhu cầu toàn cầu.

Trích dẫn một báo cáo, vị thương nhân cho biết giá cao su tương lai toàn cầu giảm mạnh từ tuần trước, do lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu gia tăng sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tăng mạnh thuế quan.

Kết thúc phiên giao dịch theo giờ địa phương, Hội đồng Cao su Malaysia báo cáo rằng giá Cao su Tiêu chuẩn Malaysia (SMR) 20 giảm 43 sen xuống còn 793,5 sen/kg, trong khi giá mủ cao su giảm 4,5 sen xuống còn 663,5 sen/kg.

Cập nhật giá cao su trong nước

Trong nước, một số doanh nghiệp vẫn giữ giá cao su bình ổn. Cụ thể, Công ty Cao su Phú Riềng giữ nguyên giá thu mua mủ tạp ở mức 400 đồng/DRC, mủ nước là 440 đồng/TSC.

Tại Công ty Cao su Bà Rịa, giá thu mua mủ nước ở mức 462 đồng/độ TSC/kg (áp dụng cho độ TSC từ 25 đến dưới 30); mủ đông DRC (35 - 44%) ở mức 13.600đ/kg; mủ nguyên liệu dao động từ 16.900 - 18.200 đồng/kg.

Trong khi đó, Công ty Cao su Mang Yang báo giá thu mua mủ nước khoảng 443 – 447 đồng/TSC, còn mủ đông tạp khoảng 406 - 461 đồng/DRC. Giá thu mua có hiệu lực từ ngày 14/3/2025.

Theo Doanh Nghiệp & Kinh Doanh.